Các Rủi Ro khi Đầu tư – Kinh doanh – Giao dịch Bất Động Sản

Những rủi ro gặp phải

Các rủi ro khi Đầu tư – Kinh doanh – Giao dịch Bất Động Sản

——————————————

1. Mục đích : Nhiều nhà đầu tư bất động sản ( BĐS ) cá nhân không biết mục đích đầu tư, kinh doanh BĐS để làm gì? Điều này không phải là hiếm trong thị trường BĐS tại Việt Nam. Cần phải luôn tìm kiếm và học hỏi một chiến lược đầu tư cụ thể, thực hành nó đến khi thành thạo và bắt đầu với một chiến lược mới. Phải luôn đảm bảo là bạn có rất nhiều chiến lược đầu tư với cùng một BĐS.

2. Đối tác : Chọn đối tác mua nhà đất riêng lẻ nói riêng và để giao dịch, đầu tư BĐS nói chung là một việc khó. Chính vì vậy, khi quyết định đầu tư cần phải đánh giá được đối tác của mình, yêu cầu cam kết sự minh bạch về tài chính, có chung tầm nhìn, phân công công việc, trách nhiệm, lợi nhuận rõ ràng, cùng đứng tên chung trên giấy tờ để tránh tranh chấp về sau.

3. Quy hoạch : Dù mua nhà đất riêng lẻ thì người mua vẫn phải luôn đặt ra câu hỏi BĐS mình đầu tư có nằm trong khu bị quy hoạch không? Có bị tranh chấp, kiện tụng gì không? Tránh trường hợp sau khi đặt cọc mua nhà, mới phát hiện ra nhà nằm trong khu quy hoạch thì sẽ gặp rất nhiều rắc rối.

“Trước khi đổ tiền vào cần phải thẩm tra tính pháp lý/quy hoạch khu vực của BĐS tại cơ quan địa chính xã, phường hoặc tại Phòng Quản lý đô thị (trực thuộc UBND quận) nơi BĐS tọa lạc” điều này sẽ giúp hạn chế tối đa rủi ro.

4. Phong thủy: “Không mê tín, nhưng hãy tin vào trực giác của bạn khi đi xem để mua một nhà đất riêng lẻ. Nếu bạn cảm thấy “có cảm giác” không ổn, không an toàn, không thoải mái hay không thích BĐS mình đang xem, hãy từ chối khéo”.

Một số trường hợp nên tránh hoặc xem xét thật kỹ lưỡng trước khi mua, cụ thể : Nhà ở không nên bị trục đường cái chiếu thẳng vào. Nhà ở không đối diện thẳng với chỗ chuyển góc hoặc góc nhọn của kiến trúc gần đó. Nhà ở không nên nhìn ra thấy các bãi tha ma, bia mộ, hoặc gần khu công nghiệp. Nhà ở không nên trực diện với ngã ba đường. Nhà ở không nên đầu to đuôi nhỏ (bị tóp hậu nhiều)…

5. Tài chính: Có một trường hợp mà rất nhiều người mua BĐS gặp phải đó là nguy cơ mắc bẫy tài chính khi vay tiền mua nhà. Tiền vay quá 50% giá trị căn nhà, lãi trả ngân hàng hàng tháng vượt hơn 50% tổng thu nhập… điều này có thể khiến chủ nhà gặp khó khăn với khoản nợ của mình.

“Khi vay hoặc huy động vốn để đầu tư hoặc giao dịch bất động sản, phải tính toán để dòng tiền thu về (bao gồm tiền cho thuê hoặc tiền chuyển nhượng) lớn hơn dòng tiền phải trả lãi vay và sớm hơn thời gian phải trả lãi. Giữ kỷ luật cá nhân để tạo uy tín về tiền bạc”.

6. Môi giới : Về hình thức tìm kiếm thông tin BĐS, nếu thông qua môi giới: “Không làm việc với các môi giới thu tiền nhờ việc dẫn bạn đi xem nhà chứ không phải tiến hành một giao dịch thật sự. Cố gắng thiết lập các quan hệ thật sự với những môi giới tốt chứ không phải giao dịch với tư duy ngắn hạn vắt chanh bỏ vỏ”.

7. Vị trí : Nếu bạn là người đang muốn chọn bất động sản để mở việc kinh doanh, phải nhớ nghiên cứu vị trí BĐS định thuê/mua. Người thuê hoặc mua phải tìm ra đặc điểm của khu vực trước khi tiến hành chọn một BĐS cụ thể. Việc tìm ra được đặc điểm của khu vực sẽ giúp bạn giải mã được khách hàng tiềm năng, người sẽ mua hoặc thuê lại các khoản đầu tư của bạn.

8. Chủ nhà:

a/ Kiểm tra kỹ nhân thân người bán, cho thuê bất động sản. Đảm bảo tính “chính chủ” của họ đối với BĐS được giao dịch. Điều tra thêm nhân thân của người bán hoặc cho thuê bằng cách hỏi thăm ở tổ dân phố, chủ quán cà phê hoặc công an khu vực.

b/ Kiểm tra nhà , đất có bị kê biên : liên hệ với Chi cục Thi hành án cấp huyện/quận nơi có bất động sản để kiểm tra về tình trạng kê biên , hoặc :  vào website của Tổng cục thi hành án dân sự để kiểm tra ( cách này hơi khó vì đòi hỏi người mua phải có sự quen biết nhất định với cơ quan có thẩm quyền )

9. Thanh toán: Với những bất động sản đang phải cầm cố, thế chấp, khi giao dịch người mua nên sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán tại các ngân hàng để tránh rủi ro bên bán sử dụng số tiền đặt cọc/ tiền thanh toán không đúng mục đích.

10. Thời điểm: Hãy biết chọn đúng thời điểm giao dịch, bởi: “Thị trường BĐS giống như những chuyến xe buýt, đừng tiếc rẻ, hãy chọn đúng thời điểm tham gia sẽ giúp bạn kiếm được lợi nhuận khủng từ BĐS. Nếu một cơ hội qua đi, hãy luôn sẵn sàng cho một cơ hội mới”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *